Thứ Hai, ngày 10/6/2024 10:50 AM (GMT+7)
Nữ bệnh nhân 44 tuổi, trú xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn bị hơn 20 con ong vò vẽ đốt ở vùng đầu, mặt và cổ, phải nhập viện cấp cứu.
Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam đã cấp cứu và điều trị thành công một nữ bệnh nhân bị hơn 20 con ong vò vẽ đốt.
Trước đó, bà T.T.S. (44 tuổi, trú xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn) nhập viện trong tình trạng thở nhanh, khó thở nhiều, vùng đầu, mặt, cổ và lưng đau nhiều và sưng tấy.
Bệnh nhân T.T.S. bị hơn 20 con ong vò vẽ đốt
Người nhà bệnh nhân cho hay, bà S. bị hơn 20 con ong vò vẽ đốt, chủ yếu ở vùng đầu, mặt và cổ.
Xác định đây là trường hợp rất nặng, có nguy cơ tổn thương thận cấp và tổn thương gan cấp do lượng lớn độc tố của ong vò vẽ, bệnh nhân được đưa vào Khoa Hồi sức chống độc để theo dõi và điều trị.
Sau 3 ngày được điều trị bằng các thuốc giảm đau, kháng viêm, kháng dị ứng, liệu pháp kiềm hóa nước tiểu và lợi niệu, tình trạng bệnh nhân khá hơn, giảm sưng đau ở các vị trí bị ong đốt, chức năng gan và thận cải thiện tốt.
Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Thu, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực – chống độc, bệnh viện thường tiếp nhận những ca bệnh bị ong đốt. Các ca bệnh trên 10 nhát ong đốt sẽ có nguy cơ tổn thương gan, tổn thương thận, đe dọa tính mạng.
Vì vậy, khi bị ong đốt, cần xác định loại ong và nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế.
Để đảm bảo an toàn, các gia đình cần cẩn thận, quan sát khu vực xung quanh nhà, đặc biệt là những gia đình ở gần nơi có nhiều cây cối và trẻ nhỏ. Phụ huynh cần hướng dẫn con em tránh xa những bụi rậm và không chọc phá tổ ong.
“Người dân tuyệt đối không nên chủ quan khi bị ong đốt. Nếu phát hiện người gặp nạn có dấu hiệu nghiêm trọng như mệt, khó thở, choáng, ngất xỉu, cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời,” bác sĩ Nguyễn Hữu Thu nhấn mạnh.