ĐIỀU TRỊ THÀNH CÔNG CASE U QUÁI BUỒNG TRỨNG

Ngày 10/08/2022, Khoa Sản bệnh viện ĐKKV Quảng Nam có tiếp nhận bệnh nhân nữ V.T.H, 44 tuổi, vào viện vì tình trạng đau bụng vùng hạ vị, sau các xét nghiệm siêu âm, CT-scan được chuẩn đoán U bì buồng trứng (P) kích thước 6x7cm.

Đến tối cùng ngày, bệnh nhân tăng đau, các bác sĩ trong khoa hội chẩn đi đến chẩn đoán: U bì BT (P) biến chứng xoắn. Bệnh nhân được tiến hành mổ nội soi cấp cứu. Khi vào ổ bụng phát hiện khối u kích thước lớn, bên trong có nhiều mô tóc, mỡ, da, xương và dịch đặc. Mạc nối đến bám vào khối u gây xoắn dẫn đến mất máu, tím, biểu hiện hoại tử. Các bác sĩ đã tiến hành gỡ dính, cắt u cùng mạc nối hoại tử và đưa khối bệnh phẩm ra ngoài qua lỗ trocar nội soi chỉ 1cm.

hình ảnh: Các y, bác sĩ đang bóc tách khối u quái buồng trứng

U quái (Teratoma) hay còn gọi là U Bì, là một khối u phát triển bên trong buồng trứng, có nguồn gốc từ các tế bào mầm biệt hóa thành. Thuật ngữ Teratoma xuất phát từ tiếng Hy Lạp, “Teras” có nghĩa là quái vật. Mặc dù cái tên nghe đáng sợ nhưng u quái thường là u lành tính. U chứa nhiều loại mô khác nhau như: Tóc, mỡ, Răng hoặc Xương…. Có thể gặp ở mọi lứa tuổi, đối tượng dễ bị u bì buồng trứng đa số là phụ nữ ở độ tuổi từ 20 – 30 tuổi.

Hình ảnh: Bệnh phẩm được lấy ra từ khối u quái buồng trứng

Các khối u bì càng lớn sẽ tạo ra sức nặng đè lên buồng trứng và khiến chúng bị xoắn lại, gây cản trở dòng máu tới nuôi dưỡng buồng trứng, khiến các mô bị hoại tử, viêm nhiễm và ảnh hưởng tới nội tiết tố, khả năng sinh đẻ. Khi u vỡ sẽ khiến người bệnh bị đau bụng dữ dội, nhiễm trùng, …diễn biến của bệnh rất phức tạp, nếu không được phát hiện kịp thời thì bệnh sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

U bì buồng trứng thường là lành tính nhưng cần được phát hiện và chữa trị kịp thời để tránh các nguy cơ biến chứng ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản và cả tính mạng của người bệnh. Vì vậy, phụ nữ nên kiểm tra phụ khoa định kỳ mỗi 6 tháng kết hợp với chế độ ăn uống hợp lý khoa học, giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ để ngăn ngừa bệnh.