PHẪU THUẬT CẤP CỨU THÀNH CÔNG TRƯỜNG HỢP XOẮN TINH HOÀN

     Bệnh nhân nam, 11 tuổi, vào viện vì lý do đột ngột đau tức nhiều vùng bìu (T) kèm nôn mửa liên tục. Lúc 19 giờ cùng ngày, bệnh nhân nam sau khi chơi thể thao về thì đau tức vùng bìu (T) kèm buồn nôn, nôn mửa, trước đó không có tiền sử sang chấn vùng bẹn bìu. Bệnh nhân được người nhà đưa vào khoa cấp cứu bệnh viên Đa khoa khu vực Quảng Nam. Qua thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng, siêu âm bẹn bìu cho thấy hình ảnh tinh hoàn (T) lớn nhẹ, tràn dịch màng tinh hoàn (T), trục thay đổi.
     Dựa trên triệu chứng lâm sàng kết hợp các xét nghiệm khác, nhận định đây là trường hợp xoắn tinh hoàn (T) trên bệnh nhân 11 tuổi giờ thứ 3, các bác sĩ khoa Ngoại thận tiết niệu bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam đã hội chẩn khẩn cấp, quyết định tiến hành mổ cấp cứu cho bệnh nhân để nhanh chóng giải phóng tinh hoàn bị xoắn, giảm thiểu nguy cơ hoại tử. Trong quá trình phẫu thuật, đúng như chẩn đoán ban đầu, tinh hoàn bệnh nhân bị xoắn 03 vòng, chiều từ ngoài vào trong, màu sắc tinh hoàn bị xoắn đã có màu tím sậm,dịch màng tinh hoàn khoảng 5ml màu nâu sậm.
     Các bác sĩ khoa Ngoại thận tiết niệu đã tiến hành tháo xoắn, đồng thời chườm ấm cho tinh hoàn. Sau 5 phút đánh giá lại thấy màu sắc tinh hoàn đã trở nên hồng hào hơn, các bác sĩ quyết định đặt tinh hoàn lại vị trí đúng theo giải phẫu, đồng thời khâu cố định bao tinh vào màng tinh hoàn (T), cố định cực dưới tinh hoàn vào bìu, đặt dẫn lưu. Nguyên nhân xoắn tinh hoàn do bất thường cấu trúc giải phẫu vùng tinh hoàn, khả năng có thể xảy ra xoắn ở 2 bên tinh hoàn, nên các bác sĩ đã tiến hành khâu cố định tinh hoàn (P) vào vùng bìu (P) để ngừa trường hợp xoắn ở tinh hoàn còn lại.
      Hậu phẫu, bệnh nhân hết đau tức vùng bìu, không còn tình trạng nôn mửa, sức khoẻ hồi phục tốt.
     Theo BS Đinh Văn Lực – Trưởng khoa Ngoại thận tiết niệu cho biết: “Xoắn tinh hoàn là một bệnh lý do sự phát triển bất thường trong gắn kết giữa tinh hoàn vào lớp tinh mạc. Sự bất thường này dẫn đến tinh hoàn xoắn quanh thừng tinh của nó một cách tự nhiên hoặc sau khi chấn thương, kết quả làm thắt nghẹt nguồn cung cấp máu cho tinh hoàn, nguy cơ cao dẫn đến hoại tử tinh hoàn nếu không xử trí kịp thời. Đây là tình trạng cấp cứu thường diễn ra ở trẻ em từ độ tuổi 12-18 và hay xảy ra ở tinh hoàn bên trái”. Bác sĩ cũng đưa ra lời khuyên với người dân, đặc biệt là phụ huynh, ba mẹ các trẻ cần chú ý cảnh giác nếu trẻ có triệu chứng nghi ngờ như: đau tức vùng bìu, sưng nề, buồn nôn, nôn ói; cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để theo dõi và kiểm tra.