TRƯỜNG HỢP DỊ TẬT MÀNG TRINH KHÔNG THỦNG

     Bệnh nhân Đ.T.U.N, 12 tuổi, trú Phường Điện Dương, TX Điện Bàn, Quảng Nam, vào viện vì đau tức nhiều vùng hạ vị. Theo ghi nhận trong khoảng một năm nay mặc dù đã xuất hiện các dấu hiệu của dậy thì như hệ thống sinh dục thứ phát phát triển (ngực, lông mu) nhưng lại không thấy hành kinh. Vài tháng gần đây bệnh nhân hay bị đau tức hạ vị, càng lúc càng tăng nên được người nhà đưa vào viện khám.
     Qua thăm khám lâm sàng và làm các xét nghiệm, các Bác sĩ Khoa sản phát hiện bệnh nhân có một khối tụ dịch lớn, kích thước # 7x11cm trải dài từ tử cung đến âm đạo nghi là máu kinh, đồng thời phát hiện bé có màng trinh dày, không có lỗ thủng. Bệnh nhân được chẩn đoán: Bế kinh/ Màng trinh bít bẩm sinh/ Ứ dịch buồng tử cung- âm đạo.
     Các Bác sĩ tiến hành phẫu thuật xẻ màng trinh tháo dịch/ tạo hình lỗ màng trinh/ Đặt dẫn lưu âm đạo. Sau phẫu thuật bệnh nhân ổn định và được rút ống dẫn lưu một ngày sau đó.
     Theo BS CKI Võ Thôi-phó Giám đốc-Trưởng khoa Sản Bệnh viện, màng trinh là một màng chắn ở âm đạo người nữ. Thông thường màng trinh có lỗ để máu kinh thoát ra ngoài, có màng có một lỗ to hoặc màng có nhiều lỗ nhỏ. Màng trinh bịt kín là bệnh hiếm gặp với màng trinh không có lỗ hoặc có một vách chắn ngang âm đạo khiến máu kinh không thể thoát ra ngoài. Lượng máu kinh thừa tích tụ lâu ngày sẽ gây mất cân bằng môi trường âm đạo dẫn đến viêm nhiễm âm đạo, viêm vòi trứng, thậm chí có thể phát triển thành khối u.
     Bác sĩ Thôi khuyến cáo, từ giai đoạn dậy thì, cha mẹ cần quan tâm tới các biểu hiện sinh lý ở trẻ, nếu có biểu hiện nghi ngờ màng trinh bị bịt kín cần đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và tư vấn điều trị thích hợp.